Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

Nở rộ cửa hàng gắn mác 'Thế giới'

Các cửa hàng mặt phố Hà Nội ngày càng chuộng từ "Thế giới" để đưa vào biển hiệu của mình, cho dù có nơi chỉ rộng chừng 10-15 mét vuông.

Biển quảng cáo ăn theo vàng

Ảnh
Cuối phố Phạm Ngọc Thạch, có đến hai shop Thế giới túi, cách nhau chỉ vài bước chân.
Ảnh
Một cửa hàng băng đĩa cũng nằm trên phố Phạm Ngọc Thạch..
Ảnh
Còn đây là cửa hàng điện thoại kiêm bán phim HD trên phố Xã Đàn.
Ảnh
Đơn vị kinh doanh nội thất này còn đưa cả từ Thế giới vào tên miền trang web của mình.
Ảnh
Theo lời giải thích của nhiều chủ kinh doanh, gắn biển "Thế giới..." là ám chỉ cửa hàng có rất nhiều sản phẩm, đa dạng về chủng loại và mẫu mã để người tiêu dùng lựa chọn, và dễ lôi cuốn sự chú ý của khách hàng.
Ảnh
Một cửa hàng "Thế giới áo da" nhưng vì trái mùa nên không thể hiện được đặc trưng như biển hiệu nêu ra.
Xuân Ngọ

Chứng khoán tuần 8-12/8: 'Chưa thể phục hồi'

Thị trường thế giới lao dốc mạnh, lãi suất tiền đồng cao, giá vàng liên tục tăng... nên chưa thể lạc quan vào diễn biến chứng khoán tuần tới. Giới đầu tư "án binh" chờ động thái rõ hơn về việc giảm lãi suất, chính sách tiền tệ.

Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI)
Vn-Index tăng điểm cuối tuần phụ thuộc vào một vài mã có tỷ trọng vốn hóa lớn nên không mang tính thuyết phục. Bên cạnh đó, chứng khoán thế giới bước vào đợt sụt giảm mạnh có thể tác động phần nào đến thị trường tuần tới. Như vậy, khả năng điều chỉnh giảm trở lại vào đầu tuần sau có thể diễn ra.
Nhà đầu tư có lượng tiền mặt lớn và có khả năng chịu rủi ro cao mới nên tham gia thị trường. Đối với nhà đầu tư lướt sóng chỉ giải ngân nếu Vn-Index không giảm sâu dưới 389 điểm và hồi phục trở lại với khối lượng giao dịch gia tăng đáng kể.
Công ty chứng khoán Thăng Long (TLS)
Phiên cuối tuần cho thấy niềm tin vào thị trường vẫn chưa thực sự cải thiện. Bộ máy lãnh đạo mới của Chính phủ vừa đưa ra các thông điệp đầu tiên cho nhiệm kỳ mới: chính sách tiền tệ không tiếp tục thắt chặt, lãi suất cho vay có thể giảm xuống 17-19%, cắt giảm đầu tư công, kiểm soát chặt chẽ giá cả hàng hóa. Những thông điệp này bước đầu cho thấy quyết tâm giải quyết những khó khăn hiện tại của nền kinh tế.
Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất qua đêm liên ngân hàng ngày 3/8 chỉ còn 10,38% một năm, mức thấp nhất kể từ đầu năm. Điều này cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục ổn định. Đây là tiền đề để Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay.
Thị trường chứng khoán vẫn chịu nhiều áp lực trong ngắn hạn. Ảnh: B.H.
Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Chưa có tín hiệu hỗ trợ rõ nét để khẳng định xu thế tăng bền vững trong tuần tới. CPI tháng 8 có thể sẽ cao do sự tăng giá thịt heo và thực phẩm cuối tháng 7. Lãi suất tiền đồng vẫn ở mức cao và giá vàng trong nước liên tục tăng khiến sức hấp dẫn của chứng khoán kém hơn những kênh đầu tư khác.
Thị trường chứng khoán thế giới cũng đang lao dốc trong bối cảnh triển vọng kinh tế nhiều nước ảm đảm. Vì thế các nhà đầu tư có khả năng tham gia nhiều thị trường hoàn toàn có thể cân nhắc Việt Nam trong chiến lược đa dạng hóa đầu tư. Bởi thị trường chứng khoán Việt Nam sau thời gian dài giảm điểm mạnh so với thị trường các nước khác, hiện đã xuống vùng giá hấp dẫn.
Công ty chứng khoán FPT (FPTS)
Chứng khoán phản ứng tích cực sau khi tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tuyên bố lãi suất cho vay trong tháng 9 sẽ giảm xuống 17-19%. Điều sẽ được thực hiện và triển khai thông qua những chính sách tài chính mới chính là những ẩn số có khả năng tác động mạnh đến thị trường trong tháng 8.
Nhiều dự báo CPI tháng 8 sẽ giảm nhẹ so với tháng trước và xoay quanh 1%. Khả năng này xảy ra vẫn chưa đủ để tạo hiệu ứng tích cực đến tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền có thể thay đổi một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, đây là tín hiệu cho thấy các chính sách điều tiết đang phát huy tác dụng. Lãi suất có thể giảm trong những tháng cuối năm khi lạm phát được kiềm chế.
Ngoài ra, sự giảm mạnh của các chỉ số chứng khoán thế giới sẽ có những tác động nhất định đến tâm lý nhà đầu tư và đặc biệt là các quỹ đầu tư ngoại tại Việt Nam.
Như vậy, thị trường còn ở giai đoạn khó khăn, dòng tiền bị hạn chế và rất nhạy cảm với các thông tin, đặc biệt là các chính sách vĩ mô. Do đó nhà đầu tư cần thận trọng và chủ động với các kế hoạch đầu tư trong thời điểm thiếu thông tin tích cực như hiện nay.
Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Mối quan ngại về khả năng kinh tế Mỹ chịu suy thoái lần thứ hai trong khi nợ công châu Âu ngày càng trầm trọng khiến giá dầu thế giới liên tục sụt giảm và đang tiến về mốc 80 USD một thùng. Khi mức giá xăng dầu tiến về 90 USD một thùng, với lý do ưu tiên trích quỹ bình ổn, giá bán lẻ xăng dầu chưa được giảm. Hiện tại, mức giảm đã tăng thêm 10 USD một thùng, kỳ vọng việc điều chỉnh giảm giá bán lẻ sẽ sớm được Bộ Tài chính xét đến, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát bùng phát trở lại.
Hiện các biến số vĩ mô chưa có thêm tín hiệu mới. Tuy nhiên, với ưu tiên kiểm soát giá, đặc biệt ở các mặt hàng xăng dầu, điện nước của tân Bộ trưởng Bộ Tài chính; quyết tâm đưa lãi suất cho vay về mức 17%-19% của tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lạm phát và lãi suất sẽ sớm có diễn biến tích cực.
Nếu không tính ba cổ phiếu chủ chốt (MSN, BVH và VIC), giao dịch ở HOSE phiên cuối tuần thực tế kém tích cực cả về mặt điểm số lẫn thanh khoản. Lực cầu giá cao thường chững lại khi nguồn cung dồi dào xuất hiện. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn khá thận trọng do thị trường diễn biến tiêu cực trong giai đoạn vừa qua.
Với triển vọng mới về kinh tế vĩ mô, giải ngân trong giai đoạn hiện nay là khá an toàn. Nhà đầu tư có thể xem xét giảm tỷ trọng tiền mặt và tăng tỷ trọng cổ phiếu, đặc biệt ở những phiên giảm điểm.
Công ty chứng khoán ACB (ACBS)
Vn-Index cắt được đà giảm có thể do tín hiệu tích cực từ các chính sách. Tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiết lộ có thể áp dụng các biện pháp để giảm lãi suất ngay trong tháng 8 và xuống 17-19% trong tháng 9.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán và Ủy Ban giám sát tài chính cũng đã đề nghị Chính phủ giãn tiến độ thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước để cứu thị trường.
Những thông điệp này có thể tiếp tục hỗ trợ cho thị trường ở một số phiên giao dịch tới. Tuy nhiên, với việc kinh tế còn nhiều khó khăn và kết quả kinh doanh ảm đạm của doanh nghiệp sẽ là lực cản đáng kể với chứng khoán.
Ngoài ra, việc giảm mạnh của thị trường thế giới ở 2 phiên cuối tuần cũng cho thấy tình hình thế giới đang rất rủi ro. Do vậy, chứng khoán Việt Nam vẫn thiếu cơ sở để phục hồi bền vững.
Nhật Hường tổng hợp

Những đồng xu đắt giá nhất thế giới

Tuy chỉ có giá trị nhỏ tại thời điểm phát hành nhưng theo thời gian, những đồng xu này có thể trở thành một gia sản kếch xù.

1. Đồng đôla hình cô gái với mái tóc bồng bềnh - 7,85 triệu USD

Đây là đồng đôla đầu tiên do Chính phủ Mỹ sản xuất. Được đúc vào năm 1794-1795, kích thước và trọng lượng của nó được dựa theo đồng tiền của Tây Ban Nha. Một trong những đồng xu loại này đã được bán đấu giá vào tháng 5/2005 với giá 7,85 triệu USD.

2. Đồng xu Double Eagle - 7,59 triệu USD

Đồng xu Double eagle
Được làm từ vàng hàm lượng 90% (tương đương khoảng 20 USD), đồng xu này bắt đầu được đúc kể từ năm 1849 và hiện có giá khoảng 7,59 triệu USD. Trên hình là phiên bản được đúc vào năm 1933 với thiết kế có từ năm 1924.

3. Đồng xu hiếm từ thời Edward III - 6,8 triệu USD

Đồng xu hiếm từ thời Edward III
Đây là đồng tiền vàng thời trung cổ lưu hành từ tháng 12 năm 1343 cho đến tháng 7 năm 1344. Được bán với giá 6,8 triệu USD và là một trong 3 đồng xu còn lại trên thế giới.

4. Đồng đôla bạc sản xuất năm 1804 - 4,14 triệu USD

Đồng đô la bạc sản xuất năm 1804
Hiện nay chỉ có 15 đồng xu loại này được biết đến, được chia vào từng nhóm bao gồm loại I, được đúc vào năm 1804. Loại II và loại III và được đúc vào khoảng 1858-1860.

5. Đồng xu Nữ hoàng Elizabeth II - 4 triệu USD

Đồng xu Nữ hoàng Elizabeth II
Đây là đồng tiền vàng lớn nhất thế giới (nặng 100 kg) được đúc bởi xưởng đúc tiền Hoàng gia Canada, với biểu tượng lá phong ở một mặt và Nữ hoàng Elizabeth II ở mặt còn lại. Nó được mua với giá 4 triệu USD trong một phiên đấu giá tại nhà đấu giá Dorotheum, Áo, mặc dù giá trị thực của nó là chỉ 1 triệu USD. Độ tinh khiết của nó là 99,999% - tinh khiết nhất trên thị trường.

6. Đồng đôla bạc loại I sản xuất năm 1804 từ Bộ sưu tập của Queller - 3,7 triệu USD

Đồng đô la bạc loại I sản xuất năm 1804 từ Bộ sưu tập của Queller
Đồng đôla này có cùng xuất xứ với đồng đôla được nhắc đến ở mục 4 nhưng có giá trị thấp hơn.

7. Đồng Liberty Head Nickel 1913 - 3,7 triệu USD

Đồng Liberty Head Nickel 1913
Liberty Head Niken 1913 là đồng 5 xu của Mỹ được sản xuất với số lượng rất hạn chế và không thuộc thẩm quyền của Sở đúc tiền Hoa Kỳ. Có tin đồn rằng nếu nó được tìm thấy trong tình trạng hoàn hảo, đồng xu đó có thể được trị giá hơn 20 triệu USD.

8. Đồng Brasher Doubloon 2,99 triệu USD

Đồng Brasher Doubloon
Năm 1787, Ephraim Brasher, một thợ kim hoàn và thợ bạc, đã đệ trình một kiến nghị với chính quyền Bang New York dùng tiền bằng đồng. Tuy bị từ chối nhưng Brasher sử dụng rất nhiều loại tiền đồng khác nhau, bên cạnh đó chỉ có một số lượng nhỏ đồng tiền vàng trong vài năm sau đó.

9. Saint-Gaudens Double Eagle 2,99 triệu USD

Saint-Gaudens Double Eagle
Saint-Gaudens Double EagleSaint-Gaudens Double Eagle là một đồng 20 đô bằng vàng, được sản xuất bởi sở đúc tiền Hoa Kỳ từ 1907 đến 1933. Đồng xu được đặt theo tên nhà thiết kế của nó là nhà điêu khắc Augustus Saint-Gaudens.

10. Brasher Doubloon EB - 2,4 triệu USD

Brasher Doubloon EB
Được đúc năm 1787. Sự khác biệt chính giữa EB Brasher Doubloon (mục số 8) và đồng EB này là dấu hiệu được in trên ngực của con đại bàng trong khi đồng tiền được nhắc đến ở đây có ký hiệu EB in trên cánh.
Tạ Linh

Gần 75 triệu cổ phiếu STB được bán trong 3 phút

Cổ phiếu Sacombank khiến giá trị giao dịch trên sàn TP HCM tăng gấp 4 lần trong phiên giao dịch sáng nay.

Cổ phiếu STB giao dịch thỏa thuận gần 5 triệu

Lượng giao dịch tại HOSE không có nhiều biến động trong những phút đầu phiên khi khối lượng chuyển nhượng chỉ ở mức trung bình với khoảng 656.000 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ (tương đương 8 tỷ đồng) được sang tay trong đợt một.
Giao dịch chứng khoán có dấu hiệu sôi động hơn. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Giao dịch chứng khoán có dấu hiệu sôi động hơn. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Tuy vậy, lực cầu bắt đáy có dấu hiệu tăng cao khi Vn-Index tiến gần về mốc 390 điểm. Chỉ số của sàn TP HCM đảo chiều tăng 1,46 điểm, lên 392,93 điểm sau 15 phút. Một loạt blue-chip mất điểm ở phiên trước như BVH, ITA, MSN, SSI… cũng rục rịch tăng giá trở lại.
Bước sang khớp lệnh liên tục, tốc độ giao dịch tuy được cải thiện nhẹ so với những phiên trước nhưng vẫn chỉ ở mức trung bình. Tuy vậy, các cổ phiếu lớn như BVH, DPM, ITA, HAG, KDC, SSI, VCB… vẫn tiếp đà tăng giá. Sắc xanh chiếm ưu thế rõ rệt trên sàn giúp Vn-Index tăng trên 3 điểm.
Tuy vậy, điểm nhấn của thị trường chỉ thực sự xuất hiện trong khoảng thời gian 9h43 - 9h46 khi 74,7 triệu cổ phiếu STB đột ngột được chuyển nhượng thỏa thuận ở giá trần 16.000 đồng một cổ phiếu. Trong khi đó, ở khu vực khớp lệnh, mã này cũng nhanh chóng khớp được 2,3 triệu chứng khoán, nhưng ở giá tham chiếu 15.300 đồng một cổ phiếu. Đáng chú ý, những giao dịch này diễn ra sau khi Dragon Capital đăng ký bán toàn bộ 61,1 triệu cổ phiếu STB đang nắm giữ và một cổ đông nội bộ của ngân hàng này đăng ký mua 30,6 triệu cổ phiếu.
Đến cuối phiên, STB tiếp tục được giao dịch mạnh ở khu vực niêm yết, đưa lượng cổ phiếu được khớp lên hơn 5 triệu. Tuy nhiên, mã này lại đóng cửa ở giá 15.200 đồng, giảm 100 đồng so với tham chiếu.
Chính giao dịch khủng của STB đã đẩy tổng khối lượng giao dịch trên sàn TP HCM trong phiên sáng nay lên trên 102,5 triệu chứng khoán, tương đương 1.817,93 tỷ đồng, cao gấp 4 lần phiên trước. Vn-Index cũng chốt phiên ở 396,05 điểm, tăng 4,58 điểm.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng tăng phiên thứ 2 liên tiếp. Đà tăng vững chắc hơn hẳn phiên trước khi chỉ số này tích lũy được 1,38 điểm, lên 68,83 điểm. Khối lượng giao dịch cũng tăng gần 50% lên 29,6 triệu chứng khoán, tương đương 279,44 tỷ đồng.
Ngược chiều với 2 sàn niêm yết, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,05 điểm trong buổi sáng, về 31,56 điểm. Khối lượng giao dịch vọt lên hơn 1,8 triệu cổ phiếu, tương đương 25,57 tỷ đồng.

Vn-Index lấy lại mốc 400 nhờ cổ phiếu vốn hóa lớn

Với sự trợ giúp của MSN, BVH, chỉ số sàn TP HCM đoạt lại mốc 400 sau 3 phiên nằm dưới mức này. Tuy nhiên, thanh khoản hạ nhiệt so với ngày giao dịch nhiều cảm xúc 4/8.

Trong 20 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn TP HCM, BVH tăng trần, dư bán với mức giá cao nhất trong ngày cũng nhanh chóng được hấp thụ.
Gần hết đợt 2, MSN tăng hết biên độ và duy trì mức 100.000 đồng tới cuối phiên. Mức tăng của VIC cũng nhích dần và lúc đóng cửa chỉ còn cách giá trần 1.000 đồng. Ngoài ra, CTG, VNM, HAG, VPL, HPG, KDC, KBC được cộng 0,1-1 điểm, là những lực đỡ quan trọng đưa tới phiên tăng thứ 2 liên tiếp của Vn-Index. Điều này giúp chỉ số về lại mốc 400 vốn đã thất thủ trong 3 ngày qua, đạt 400,88 điểm, sau khi tích lũy 4,83 điểm.
STB tiếp tục thu hút sự quan tâm của giới đầu tư bởi lượng giao dịch đứng đầu tại HOSE. Gần 10h, mã này có trên 3 triệu cổ phiếu chuyển nhượng trong khi các mã khác chưa vươn tới mức một triệu. STB đóng cửa với 6,5 triệu cổ phiếu khớp lệnh (tại mức giá tham chiếu 15.200 đồng) và một triệu cổ phiếu giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá 15.100 đồng.
Sàn TP HCM kết thúc phiên cuối tuần với 26,81 triệu chứng khoán sang tay, trị giá 435 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 6,81 triệu, tương đương 105,9 tỷ đồng. Ngoài STB, cổ phiếu KTB, NTB cũng được chuyển nhượng theo hình thức này với số lượng một triệu trở lên.
Nhiều nhà đầu tư vẫn đứng ngoài quan sát thị trường, chứ chưa đẩy mạnh giao dịch. Ảnh: B.H.
Giao dịch sàn Hà Nội tăng hơn 20% với hôm qua, đạt 38,6 triệu chứng khoán, trị giá 343 tỷ đồng. Sức mua chủ yếu ở BVS, KLS, PVX, SHB, SHN, VCG, VND. Trong đó, thanh khoản của KLS dẫn đầu với 4,43 triệu cổ phiếu, đây cũng là mã giao dịch sôi động nhất tại HNX hôm nay. Ngoại trừ VCG đứng mức tham chiếu và SHB giảm nhẹ 0,2 điểm, những cổ phiếu này đều tích lũy điểm trong ngày cuối tuần. HNX-Index vơi 0,29 điểm, xuống 68,54 điểm.
UPCoM-Index đạt 31,95 điểm, tăng 0,43 điểm, ghi nhận 92.300 cổ phiếu chuyển nhượng, ứng với 0,52 tỷ đồng, lúc 11h10.
Bạch Hường

Nhà đầu tư nước ngoài tăng cường bán cổ phiếu

Không còn mua ròng như tuần trước, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên cả 2 sàn với giá trị hơn 230 tỷ đồng ở tuần đầu tháng 8.

FPT là cổ phiếu được khối ngoại gom vào nhiều nhất với trên 130 tỷ đồng, hơn hẳn các chứng khoán khác (VCB, VPL, PVD...) bởi giá trị mua ròng ở các mã này đều từ 10 tỷ đồng trở xuống. Ở chiều ngược lại, VIC hứng chịu áp lực xả hàng mạnh nhất của khối ngoại với hơn 331 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài không còn giữ vị thế tích cực mua ròng như tuần trước, sau khi bán ròng 1,68 triệu chứng khoán, trị giá 224,2 tỷ đồng ở sàn TP HCM. Tuy nhiên, giao dịch của khối ngoại sôi động hơn hẳn cả tháng 7.
Cụ thể, chỉ 5 phiên giao dịch, khối ngoại gom vào 87,9 triệu, bán ra 89,5 triệu trong khi trọn tháng 7 chỉ mua có 46 triệu, bán ra 47,4 triệu. Sự đột phá về lượng mua bán ở tuần đầu tiên của tháng 8 đến từ phiên 4/8, khi lượng mua vào lẫn bán ra của khối ngoại đều trên 76 triệu và xuất phát chủ yếu từ STB. Diễn biến này xảy ra sau khi Dragon Capital đăng ký bán toàn bộ 61,1 triệu cổ phiếu STB đang nắm giữ.
Giao dịch chứng khoán nhiều cảm xúc trong tuần đầu tháng 8. Ảnh: B.H.
Khối này cũng bán ra 4,32 triệu cổ phiếu, trong khi chỉ mua vào 3,22 triệu trên sàn Hà Nội. Tính chung giá trị bán ròng tại HNX gần 6,4 tỷ đồng, tương đương hơn một triệu cổ phiếu. KLS dẫn đầu mức bán ra, song đây cũng là mã được nhà đầu tư nước ngoài mua vào nhiều nhất. Giao dịch của khối ngoại tại HNX còn tập trung ở các cổ phiếu: PVX, NTP, PGS, PVG, BVS.
Việc STB giao dịch thỏa thuận gần 75 triệu trong ngày 4/8 đã đẩy tổng khối lượng giao dịch sàn TP HCM lên trên 100 triệu chứng khoán, chứ giao dịch khớp lệnh không có nhiều biến chuyển đáng kể so với giai đoạn èo uột trước đó. Chính vì vậy, nếu so với bình quân tuần trước, lượng chuyển nhượng trung bình (tính cả thỏa thuận và khớp lệnh) đã tăng vượt trội lên 41,6 triệu, trị giá 749,32 tỷ đồng, thay vì 21,44 triệu, 371,47 tỷ như tuần qua. Song, nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận, giao dịch theo phương thức khớp lệnh ở tuần này không biến động đáng kể.
Trong khi đó, thanh khoản sàn Hà Nội cải thiện khá mạnh, đạt bình quân 28,34 triệu chứng khoán, tương đương 308,42 tỷ đồng, trong khi tuần trước chỉ 17,99 triệu chứng khoán tương đương 196,12 tỷ đồng. Không chỉ khối ngoại, nhà đầu tư trong nước cũng đẩy mạnh giao dịch KLS giúp mã này duy trì vị trí quán quân về lượng giao dịch tại HNX tuần thứ 8 liên tiếp.
Theo các công ty chứng khoán, Vn-Index hồi phục ở 2 ngày cuối tuần chủ yếu do nhận định của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ lãi suất cho vay xuống 17-19% trong thời gian tới. Điều này kích thích lực mua bắt đáy và lệnh bán giá thấp giảm đáng kể, đồng thời giúp Vn-Index đoạt lại mốc 400.
Tuy nhiên, việc một số cổ phiếu vốn hóa lớn quay lại đỡ thị trường như phiên 5/8 được cho là thiếu thuyết phục và chứng khoán cần sự khởi sắc toàn diện hơn ở các cổ phiếu để gợi mở khả năng phục hồi bền vững. Trọn tuần, Vn-Index mất 4,82 điểm còn HNX-Index bị trừ 1,01 điểm.
Bạch Hường

Người giàu nhất Ấn Độ nguy cơ mất nhà

Tỷ phú Mukesh Ambani có nguy cơ mất ngôi nhà trị giá 1 tỷ USD của mình do những vấn đề liên quan tới mảnh đất để xây "biệt thự chọc trời" này.

Tỷ phú Mukesh Ambani. Ảnh: connect.in.com
Tỷ phú Mukesh Ambani. Ảnh: connect.in.com
Tờ The Mail cho hay, chính quyền liên bang Ấn Độ cáo buộc ông Mukesh Ambani đã mua bất hợp pháp mảnh đất vốn định sử dụng để xây trường học và các cơ sở giáo dục cho trẻ em Hồi giáo.
Ông Ambani đã chi tới 5 triệu USD để mua mảnh đất này từ tổ chức Currimbhoy Ebrahim Koja Orphanage Trust vào năm 2002, nhưng việc mua bán này chưa được các cơ quan chức năng chính thức thông qua. Lãnh đạo chính quyền đang thực hiện các biện pháp pháp lý nhằm thu hồi lại mảnh đất nói trên.
Tỷ phú Mukesh Ambani, chủ tịch công ty Reliance Industries, là người giàu nhất Ấn Độ với tổng tài sản ước tính lên tới 29 tỷ USD. Ông đã bỏ ra tới 1 tỷ USD để xây tòa nhà chọc trời cao 27 tầng của mình tại Mumbai, lấy tên Antilla. Hiện tại, ông sống cùng mẹ, vợ và 3 con trong khu nhà này.

Anh Quân (theo Business Insider)